Quyết định lâm nghiệp có cơ sở, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho rừng trồng quy mô nhỏ ở Việt Nam
1. Mô tả dự án
Dự án VIE8748 về Quyết định lâm nghiệp có cơ sở, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho rừng trồng quy mô nhỏ ở Việt Nam, nhằm mục đích xây dựng khả năng chống chịu của sinh kế lâm nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam qua thúc đẩy quy hoạch rừng, cấp chứng chỉ rừng, quản lý môi trường và thực hành sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở hai tỉnh Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Dự án hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu miền Trung (CCCSC), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) của hai tỉnh và 8 hợp tác xã do thành viên làm chủ với khoảng 13.000 thành viên (50% là phụ nữ) quản lý các khoảnh rừng quy mô nhỏ với tổng diện tích khoảng 14.000 ha rừng. Các hội nông dân cung cấp dịch vụ nông nghiệp, nhưng lại bỏ quên dịch vụ lâm nghiệp do thiếu trình độ trong quản lý rừng và chuỗi giá trị rừng. Các tổ chức sản xuất không thể đưa ra quyết định lâm nghiệp đúng đắn vì các dịch vụ lâm nghiệp liên quan không sẵn có hoặc không dễ tiếp cận.
Lồng ghép các dịch vụ này vào các hội nông dân tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý rừng bền vững (SFM) và tăng khả năng chống chịu của sinh kế dựa vào rừng. Dự án của FFD hướng đến i) đảm bảo các hộ trồng rừng quy mô nhỏ có thể tiếp cận được dịch vụ tư vấn về rừng và quản lý môi trường, ii) đưa hợp tác xã và thành viên vào các chương trình cấp chứng chỉ rừng và iii) tăng cường sự tham gia của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương vào chuỗi giá trị rừng. Phổ biến thông tin lâm nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của mọi nhóm xã hội trong quy hoạch rừng và chuỗi giá trị rừng, phát triển vườn ươm, hỗ trợ kỹ thuật trong SFM và hỗ trợ các sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu của tác nhân ở địa phương là các hoạt động trọng tâm trong dự án.
Chiến lược thực hiện dự án được xây dựng dựa vào kết quả của việc trao đổi ngang hàng và sáng kiến thí điểm thúc đẩy các tổ chức sản xuất do thành viên làm chủ đưa ra quyết định dựa trên kiến thức và có sự tham gia của mọi thành viên. LMHTX Nghệ An sẽ áp dụng những mô hình thực tiễn tốt nhất của LMHTX Thừa Thiên Huế trong phát triển hệ thống nông lâm kết hợp và cấp chứng chỉ rừng. HTX người khuyết tật của dự án sẽ tư vấn các HTX sản xuất về các phương pháp tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật. Đối tác đồng hành Hiệp hội Quản lý Rừng Pirkanmaa (FMA Pirkanmaa) hỗ trợ các cơ quan đồng cấp Việt Nam trong phát triển kỹ năng lãnh đạo, kêu gọi sự tham gia của tất cả các nhóm trong xã hội và cấp chứng chỉ. CCCSC hỗ trợ điều phối và quản trị tri thức, và tạo điều kiện để các hợp tác xã có thể tiếp cận với những thông tin mới nhất về khí hậu và lâm nghiệp và tiến bộ công nghệ.
Dự án do FFD tài trợ với nguồn tài trợ chính đến từ Bộ Ngoại giao Phần Lan (MFAF) dưới hình thức Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA). Cơ quan Nông nghiệp Phần Lan về Phát triển Lương thực và Lâm nghiệp (FFD) cung cấp dịch vụ tư vấn cùng với FMA Pirkanmaa, đối tác Phần Lan, tức là đối tác đồng hành, của dự án.
2. Mục tiêu dự án
Quyết định lâm nghiệp có cơ sở và có sự tham gia của mọi nhóm xã hội từ các hộ sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ đảm bảo quản lý rừng bền vững (SFM) và cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
3. Kết quả dự án
Dự án có ba kết quả dự kiến:
Kết quả 1: Các hộ trồng rừng quy mô nhỏ có tổ chức tiếp cận được các dịch vụ môi trường rừng
Kết quả 2: Các hộ sản xuất rừng quy mô nhỏ được chuẩn bị cho việc cấp chứng chỉ rừng
Kết quả 3: Các hội nông dân có sự tham gia của mọi nhóm xã hội đại diện cho lợi ích thành viên của mình
4. Đầu ra của dự án
Đầu ra dự kiến là:
Đầu ra 1.1. Các hội nông dân (FOs) được nâng cao năng lực kỹ thuật và có các nguồn lực cụ thể để cung cấp dịch vụ môi trường rừng cho các thành viên của mình
Đầu ra 1.2. Các hộ trồng rừng quy mô nhỏ cam kết đưa ra các quyết định lâm nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Đầu ra 2.1. Sự quan tâm và nhận thức của các hộ sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ về chứng chỉ rừng và điều kiện cấp chứng chỉ rừng được nâng cao
Đầu ra 2.2. Các hợp tác xã xây dựng được các kế hoạch quản lý rừng bền vững (SFM)
Đầu ra 2.3. FOs tìm được thị trường cho sản phẩm lâm nghiệp có chứng chỉ rừng.
Đầu ra 3.2. Các nền tảng trao đổi giữa nhiều FO sẽ thúc đẩy phát triển dịch vụ có tổ chức và có sự tham gia của mọi nhóm xã hội.
Đầu ra 3.3. Người khuyết tật cải thiện vị trí của họ trong chuỗi giá trị rừng và các tổ chức của hộ trồng rừng quy mô nhỏ
5. Lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu
Việt Nam có cam kết chính trị mạnh mẽ về giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời phát triển lâm nghiệp quy mô nhỏ, như được nêu trong các chiến lược hiện hành cho Lĩnh vực lâm nghiệp, Biến đổi khí hậu và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo các chính sách này, dự án sẽ góp phần phát triển lâm nghiệp quy mô nhỏ và nâng cao trữ lượng các-bon từ rừng/sản phẩm gỗ và hỗ trợ FO về mặt năng lực thực hiện kiểm kê carbon và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phát triển thị trường carbon và Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES). Ngoài ra, dự án nâng cao nhận thức về rủi ro từ biến đổi khí hậu và áp dụng cách tiếp cận có hệ thống để đánh giá rủi ro từ biến đổi khí hậu và lập kế hoạch thích ứng, và thể chế hóa các vấn đề về khí hậu trong phát triển tổ chức cho các tổ chức sản xuất của dự án. Dự án cũng nhằm mục đích thí điểm các công nghệ mới và hệ thống quản lý rừng tổng hợp để thúc đẩy lâm nghiệp quy mô nhỏ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
6. Liên hệ
Phía Việt Nam
Tên: Trần Thị Phượng
Đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu miền Trung (CCCSC)
Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Email: tranthiphuong@huaf.edu.vn
Phía Phần Lan
Tên: Tiina Huvio
Đơn vị: Tổ chức Phát triển rừng và lương thực Phần Lan (FFD)
Địa chỉ: PL 510 (Simonkatu 6), 00101 Helsinki, Finland
Email: tiina.huvio@ffd.fi